CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ & TƯ VẤN THUẾ ACP

0902.229.299 - ketoanacp@gmail.com

CÁC BƯỚC GIẢI THỂ CÔNG TY

Lượt xem: 447

Giải thể công ty là việc thực hiện 1 loạt các thủ tục để có thể đóng cửa công ty một cách đúng luật. Việc giải thể công ty tương đối phức tạp vì khi phải thực hiện thủ tục kiểm tra thuế trước giải thể. Vậy, trình tự thủ tục giải thể công ty bao gồm những bước nào? Hãy cùng Kế toán ACP tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Tóm tắt nội dung

    Giải thể doanh nghiệp là gì?

    Giải thể công ty là việc chấm dứt sự tồn tại của một công ty theo ý chí của tất cả các thành viên công ty, theo trình tự và thủ tục đã được quy định tại Luật Doanh Nghiệp. Giải thể công ty theo Luật Doanh Nghiệp 2020 sẽ bao gồm 3 bước:

    Bước 1: Thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể (Nộp hồ sơ tại Sở KH & ĐT)
    Bước 2: Thực hiện thủ tục quyết toán thuế để giải thể công ty tại cơ quan thuế quản lý (Nộp hồ sơ tại cơ quan thuế)
    Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp (Nộp hồ sơ tại Sở KH & ĐT)

    Nên giải thể công ty hay tạm ngừng kinh doanh có thời hạn?

    Như đã nêu ở trên, việc giải thể doanh nghiệp sẽ xuất phát từ tình hình kinh doanh thực tế, thể hiện qua ý chí của doanh nghiệp bằng việc nộp hồ sơ giải thể công ty. Nhưng nếu khó khăn là tạm thời, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp tạm ngừng kinh doanh. Sau đây là các ưu điểm của việc tạm ngừng kinh doanh có thời hạn:

    - Thủ tục đơn giản, dễ thực hiện
    - Bảo toàn được thâm niên hoạt động của doanh nghiệp
    - Có thể trở lại kinh doanh ngay khi có nhu cầu
    - Không phải nộp các loại tờ khai thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

    Các trường hợp giải thể doanh nghiệp:

    Căn cứ khoản 1, điều 207 Luật Doanh Nghiệp số 59/2020/QH14, có 4 trường hợp giải thể doanh nghiệp, bao gồm:

    - Giải thể do hết hạn hoạt động đã quy định tại điều lệ công ty
    - Giải thể do nguyện vọng của tất cả các thành viên góp vốn thành lập công ty
    - Giải thể do không còn đủ số lượng thành viên trong vòng 06 tháng liên tục (tùy theo loại hình doanh nghiệp) nhưng không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp
    - Giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

    Điều kiện để được giải thể công ty

    Về nguyên tắc, khi tiến hành thủ tục giải thể công ty, bạn phải thanh toán hết tất cả các khoản nợ của công ty đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Mức độ ưu tiên khi giải quyết thủ tục thanh toán nợ khi giải thể doanh nghiệp sẽ như sau:
    1. Nợ lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại doanh nghiệp
    2. Nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước
    3. Các khoản nợ còn lại.
    4. Thanh lý tất cả các tài sản cố định của doanh nghiệp trước khi giải thể

    Và với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoản nợ lương đối với người lao động và các khoản nợ của các tổ chức, cá nhân khác trong quá trình kinh doanh thường được xác định rõ ràng và đầy đủ. Đa số đã được thanh toán khi doanh nghiệp làm thủ tục xin giải thể công ty. Và phần nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước chỉ được xác định khi cơ quan thuế tiến hành thanh, kiểm tra hồ sơ kế toán – thuế (khi doanh nghiệp bạn tiến hành thủ tục giải thể công ty đối với cơ quan thuế)

    Thủ tục giải thể công ty

    Quy trình, thủ tục giải thể công ty bao gồm 3 bước cơ bản. Mời bạn cùng Kế toán ACP tìm hiểu chi tiết qua nội dung sau đây.

    Bước 1: Thông báo giải thể doanh nghiệp


    Đây là bước đầu tiên trong thủ tục giải thể doanh nghiệp. Hiểu nôm na, việc nộp thông báo giải thể doanh nghiệp là việc công ty bạn báo cho cơ quan chức năng, đối tác, khách hàng về việc công ty của bạn đang làm thủ tục giải thể.
    Hồ sơ giải thể công ty ở giai đoạn này, sẽ bao gồm:

    - Thông báo giải thể doanh nghiệp: Phụ lục II-22 (Mẫu bắt buộc, ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT)
    - Biên bản họp hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên), biên bản họp đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần)
    - Quyết định giải thể doanh nghiệp
    Nơi nộp hồ sơ giải thể công ty: Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở

    Bước 2: Thủ tục giải thể công ty tại Cơ Quan Thuế


    Sau khi thông báo tình trạng giải thể của doanh nghiệp được sở Kế Hoạch Đầu Tư chấp thuận. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiến hành đến bước thực hiện thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
    Thời gian thực hiện: chậm nhất ngày thứ 45 kể từ ngày Sở Kế Hoạch Đầu Tư chấp thuận thông báo tình trạng giải thể của doanh nghiệp
    Trình tự thực hiện thủ tục giải thể công ty với cơ quan thuế sẽ có trình tự như sau:
    Bước 2.1: Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh/thành phố sẽ truyền dữ liệu về việc công ty bạn đã nộp thông báo quyết định giải thể cho cơ quan thuế.
    Bước 2.2 : Doanh nghiệp tiến hành soạn và nộp các loại giấy tờ sau:

    2.2.1 Các loại công văn cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục giải thể với cơ quan thuế
    1. Thông báo đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế, mẫu số 24/ĐK-TCT (ban hành kèm theo thông tư 105/2020/TT-BTC)
    2. Nếu doanh nghiệp không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu thì soạn mẫu cam kết không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu trong quá trình sản xuất kinh doanh (mẫu tự soạn)
    3. Nếu số tiền thuế nộp thừa của doanh nghiệp ít hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu nhận lại tiền thuế đã nộp thừa. Doanh nghiệp tiến hành soạn và nộp văn bản từ chối nhận lại số tiền nộp thừa, mẫu số 01/ĐNKHT (ban hành kèm theo thông tư số 80/2021/TT-BTC)
    4. Nếu số tiền thuế còn được khấu trừ là ít hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu hoàn thuế GTGT. Doanh nghiệp tiến hành soạn và nộp công văn cam kết không hoàn thuế Giá trị gia tăng (mẫu tự soạn)
    5. Công văn giải trình chênh lệch số liệu trên tờ khai thuế và dữ liệu hóa đơn điện tử (nếu có)

    2.2.2 Các loại báo cáo thuế cần nộp khi thực hiện thủ tục giải thể công ty tại Cơ Quan Thuế
    1. Báo cáo quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và báo cáo thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đến thời điểm nộp bộ hồ sơ giải thể.
    2. Nộp tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đến thời điểm nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
    3. Báo cáo tài chính đến thời điểm giả thể doanh nghiệp.

    Thời hạn giải quyết hồ sơ giải thể tại cơ quan thuế

    Sau khi bạn đã nộp đủ tất cả các loại hồ sơ đã được liệt kê bên trên, thì thời hạn quyết toán thuế để giải thể công ty là ngày thứ bốn mươi lăm (45) kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Vào lúc này, công việc của bạn là chuẩn bị, hoàn thiện sổ sách kế toán để làm việc với đại diện cơ quan thuế (giai đoạn thanh/kiểm tra doanh nghiệp trước khi giải thể)
    Nếu công ty bạn không xảy ra sai sót dẫn đến việc vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế thì cơ quan thuế sẽ gởi thông tin về việc công ty bạn hoàn tất nghĩa vụ thuế đến sở KH-ĐT.
    Sau khi thực hiện xong bước này, xem như quy trình giải thể doanh nghiệp của bạn đã hoàn thành được hơn 95%.

    Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể

    Hồ sơ giải thể ở bước này, bao gồm:
    - Báo cáo thanh lý tài sản cố định
    - Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán
    - Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp: Phụ lục II-22 (Mẫu bắt buộc, ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT)

    Chúc các bạn thực hiện thủ tục giải thể thành công!!!

    Liên hệ: 0902 229 299 - Chúng tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng quý doanh nghiệp!!!

    Tin liên quan

    Đăng ký tư vấn